Nhiệm vụ và quyền hạn của Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư (Quyết định số 55/QĐ-SKHĐT ngày 01/6/2023 của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An)
I. Trách nhiệm và quyền hạn của Giám đốc
1. Giám đốc Sở là người đứng đầu cơ quan, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh, và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên UBND tỉnh theo quy chế làm việc và phân công của UBND tỉnh.
2. Giám đốc là người phụ trách chung, lãnh đạo quản lý và điều hành mọi hoạt động của cơ quan theo chế độ Thủ trưởng, phân công và ủy quyền các Phó Giám đốc phụ trách một số lĩnh vực để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ đã quy định. Khi Giám đốc vắng mặt sẽ ủy quyền cho một Phó Giám đốc điều hành các hoạt động của Sở.
3. Giám đốc có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo, triển khai các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản của các Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh và Nghị quyết của các cấp uỷ Đảng trong chỉ đạo điều hành về thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
4. Giám đốc phụ trách công tác chung, trực tiếp phụ trách một số nội dung công việc sau:
a) Công tác tổ chức bộ máy và cán bộ.
b) Các công việc theo phân công nhiệm vụ Lãnh đạo Sở.
c) Những vấn đề liên quan đến nhiều phòng do Phó Giám đốc chỉ đạo giải quyết nhưng còn có ý kiến khác nhau.
d) Những vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền của Phó Giám đốc phụ trách.
đ) Các công việc khác Giám đốc thấy cần phải trực tiếp giải quyết.
5. Trong quản lý, Giám đốc tuân thủ các nguyên tắc do Nhà nước, pháp luật quy định và quy chế cơ quan. Thông qua Hội nghị cán bộ, công chức hàng năm, giao ban hàng quý, tháng, tuần để thảo luận và chỉ đạo tổ chức thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng cơ quan vững mạnh. Giám đốc quyết định các biện pháp cải tiến lề lối làm việc; chịu trách nhiệm về việc sử dụng đúng quy định, tiết kiệm và có hiệu quả kinh phí, tài sản của cơ quan; có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng, tiêu cực, xử lý và tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý người có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
6. Giám đốc có trách nhiệm phối hợp với Công đoàn cơ quan tổ chức Hội nghị CBCC mỗi năm một lần theo thời gian quy định hoặc bất thường khi cần thiết, đánh giá hoạt động của cơ quan trong năm và phát động phong trào thi đua thực hiện phương hướng nhiệm vụ chính trị của năm sau; làm việc với các tổ chức đoàn thể khi cần thiết.
7. Định kỳ hàng năm, Giám đốc thực hiện việc đánh giá cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý theo quy định;
8. Giám đốc có trách nhiệm lắng nghe ý kiến phản ánh, phê bình, đóng góp và giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của CBCC. Có lịch tiếp dân theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo công khai các thủ tục hành chính khi giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, công dân.
II. Trách nhiệm và quyền hạn của Phó Giám đốc
1. Phó Giám đốc Sở là người giúp Giám đốc và được Giám đốc phân công hoặc ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể, trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực, Phòng trong cơ quan và chịu trách nhiệm trước Giám đốc và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công hoặc ủy quyền.
2. Trong phạm vi công việc được phân công, Phó Giám đốc có quyền hạn và trách nhiệm:
a) Tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn các phòng thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật và quy chế cơ quan. Phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Giám đốc về kết quả, quyết định của mình.
b) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các phòng được phân công phụ trách;
c) Chủ động giải quyết những vấn đề nghiệp vụ trong thẩm quyền thuộc lĩnh vực mình phụ trách và có trách nhiệm báo cáo kết quả giải quyết với Giám đốc.
3. Ngoài những lĩnh vực công việc được phân công, thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể khác theo điều hành của Giám đốc nhằm đạt hiệu quả cao hơn và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm công việc do mình xử lý.