Thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã có khởi đầu tích cực ngay trong tháng đầu năm 2025. Điều này mang tới những kỳ vọng về một làn sóng đầu tư lớn đổ bộ Việt Nam trong thời gian tới.
Đã có
hơn 4,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam trong tháng 1/2025,
tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là con số khá lớn nếu tính theo
tháng. Ảnh: Goertek. Đồ hoạ: Đan Nguyễn
Đầu xuôi, đuôi lọt
Số liệu mà Cục Đầu tư
nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố mới đây đã cho thấy những dấu hiệu
tích cực cho thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm 2025. Cụ thể, chỉ
trong tháng đầu năm, đã có hơn 4,33 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào
Việt Nam, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính theo tháng, đây
là con số khá lớn, bởi thông thường, nếu không có dự án tỷ USD, hàng tháng,
tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký chỉ quanh mức 2-3 tỷ USD. Tháng 1/2025 cũng
đã ghi nhận dự án tỷ USD đầu tiên của năm. Đó chính là dự án tăng vốn 1,2 tỷ
USD của Samsung Display. Dự án này đã được lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trao chứng
nhận đăng ký đầu tư ngay vào ngày đi làm đầu tiên của năm mới 2025.
Cũng trong ngày này, Bắc
Ninh còn trao chứng nhận đầu tư cho một loạt dự án khác, với tổng vốn đầu tư
đăng ký là 1,67 tỷ USD. Khi ấy, phát biểu tại sự kiện, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh
Nguyễn Anh Tuấn đã bày tỏ sự vui mừng khi nhiều nhà đầu tư tiếp tục lựa chọn
Bắc Ninh là điểm đến đầu tư.
“Hôm nay là ngày khởi
đầu của một năm mới với nhiều tin vui mới về thu hút đầu tư”, ông Nguyễn Anh
Tuấn đã nói như vậy và cho biết, Bắc Ninh đang nỗ lực để trở thành “cứ điểm”
của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.
Không chỉ Bắc Ninh,
nhiều địa phương khác cũng đón những tin vui trong thu hút đầu tư. Bình Dương
là một ví dụ. Đầu tháng 2/2025, tỉnh này đã trao chứng nhận đầu tư và chủ
trương đầu tư cho 7 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư lên tới gần 1
tỷ USD. Trong số này, riêng hai dự án của VSIP, bao gồm một dự án hạ tầng khu
công nghiệp và một dự án khu đô thị mới, có vốn đầu tư lên tới hơn 812 tỷ USD.
Ngoài ra, còn có dự án tăng vốn của Cheng Loong Paper, Deneast Việt Nam và
Dongil Rubber Belt Việt Nam…
Dự án đổ vào, vốn đầu tư
sẽ không ngừng tăng lên. Và điểm đặc biệt trong tháng đầu năm 2025, đó là có sự
gia tăng mạnh mẽ của vốn đầu tư tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua
cổ phần. Tháng 1/2025, vốn đầu tư điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần lần lượt
đạt 2,73 tỷ USD và 322,9 triệu USD,
tương ứng tăng 509,6% và 70,4% so với cùng kỳ năm trước. Chính vì có mức tăng
mạnh, nên dù vốn đăng ký mới trong tháng 1/2025 chỉ đạt 1,29 tỷ USD, giảm 43,6%
so với cùng kỳ, nhưng tính chung, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vẫn tăng
48,6%.
Theo Cục Đầu tư nước
ngoài, đây là mức tăng “tương đối lớn”, khi trong tháng 1/2025 có tới 6 ngày
thuộc kỳ nghỉ Tết. Thêm vào đó, điểm tích cực là dù có kỳ nghỉ Tết, nhưng các
nhà đầu tư nước ngoài vẫn tích cực hoạt động sản xuất - kinh doanh, do đó tổng
vốn giải ngân đã đạt khoảng 1,51 tỷ USD, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.
Những con số trên càng
khẳng định rằng, thu hút đầu tư nước ngoài đã có một khởi đầu suôn sẻ trong năm
2025. Đầu xuôi thì đuôi lọt, vì thế đã có nhiều kỳ vọng về sự tăng tốc, bứt phá
trong thu hút đầu tư nước ngoài trong năm nay.
Đón làn sóng lớn
Năm 2024, dù chưa chạm
tới mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng con số đạt được
38,23 tỷ USD vẫn là một thành tích đáng ghi nhận. Hơn nữa, vốn thực hiện cũng
đạt mức kỷ lục, lên tới 25,35 tỷ USD. Điều quan trọng, xu hướng chung, các nhà
đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục bày tỏ mối quan tâm đến điểm đến đầu tư Việt
Nam.
Ngay trước Tết Nguyên
đán, khi Thủ tướng Chính phủ có chuyến công du châu Âu, hàng loạt lãnh đạo tập
đoàn lớn, như Visa, Amazon Web Services (AWS), Trip.com…, đặc biệt là các tập
đoàn công nghệ như Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson…, đã chia sẻ và bày tỏ
mong muốn đầu tư và tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam,
nhất là trong các lĩnh vực công nghệ, bán dẫn, AI. Đây là những lĩnh vực mà
Việt Nam đang kỳ vọng tăng tốc thu hút đầu tư trong thời gian tới.
Lãnh đạo một nhà đầu tư
nước ngoài lớn chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư rằng, tập đoàn của ông đang có
kế hoạch đầu tư một dự án bán dẫn tại Việt Nam, với quy mô có thể lên tới hàng
tỷ USD. Nếu dự án này thành hiện thực, thì cùng với sự có mặt hiện hữu của
Intel, Amkor, Infineon, Marvell, HanaMicron…, Việt Nam sẽ trở thành “cứ điểm”
sản xuất của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực bán dẫn. “Tuy
nhiên, điều chúng tôi quan tâm vẫn là khả năng đảm bảo năng lượng của phía Việt
Nam”, vị này cho biết điều băn khoăn lớn nhất trước khi quyết định “dốc hầu
bao” vào Việt Nam.
Ngoài các dự án bán dẫn,
các lĩnh vực như điện tử được dự báo tiếp tục thu hút được đầu tư lớn, khi các
nhà sản xuất như Foxconn, Goertek… đều dự kiến mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Lãnh đạo Goertek trong
cuộc gặp đầu năm mới với Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh chia sẻ, năm 2025, Goertek sẽ
đầu tư thêm dự án mới và đưa thêm nhiều chuyên gia và thiết bị công nghệ kỹ
thuật mới sang Việt Nam.
Hiện tại, Goertek đã đầu
tư tại Bắc Ninh hơn 1,3 tỷ USD để xây dựng 4 nhà máy, chuyên sản xuất các thiết
bị điện tử và thiết bị bay không người lái. Thông tin được đưa ra từ hồi cuối
năm 2024, Goertek sẽ tăng vốn đầu tư để tăng gấp đôi sản lượng thiết bị bay
không người lái, từ 30.000 sản phẩm hiện tại lên 60.000 sản phẩm/năm, trong năm
2025.
Trong khi đó, Tập đoàn
WHA (Thái Lan) vừa nhận chứng nhận đầu tư để phát triển một khu công nghiệp thứ
hai tại tỉnh Nghệ An. Ở Khu công nghiệp WHA Zone 1, đã có 37 dự án đầu tư thứ
cấp, trong đó có 32 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư 1,26 tỷ USD.
Không phải ngẫu nhiên mà
cả WHA và VSIP đều đang tăng tốc xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp mới. Tất
cả là để đón đầu làn sóng đầu tư lớn tiếp tục đổ vào Việt Nam.
(Nguồn: baodautu.vn)