Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.
Việc
đặt hàng các tập đoàn tư nhân thực hiện những dự án lớn góp phần hình thành các
tập đoàn kinh tế mạnh. Ảnh: Hoàng Anh
Một trong những điểm mới
so với Nghị quyết 01 của các năm trước là yêu cầu tạo môi trường thuận lợi, khuyến
khích phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) tư nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng,
để DN tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, còn nhiều việc
phải làm về tạo điều kiện tiếp cận vốn, xây dựng quy hoạch ngành, tiếp tục cải
cách thủ tục hành chính, trao thêm cơ hội kinh doanh.
“Để đạt được mục tiêu
tăng trưởng cao trong năm 2025, giải pháp thể chế đặc biệt quan trọng. Trong
đó, điều DN cần nhất là tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành chính trong lĩnh
vực đầu tư và xuất nhập khẩu.”
Trao đổi với Báo Đấu
thầu, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính
sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, DN nói chung,
đặc biệt DN tư nhân là chủ thể quan trọng của nền kinh tế. Để động lực này phát
huy tối đa hiệu quả, vấn đề cốt lõi là nâng cao hiệu quả của thị trường cả phía
cung lẫn cầu. Về phía cung, cần tạo điều kiện tiếp cận công bằng và cạnh tranh
về các nguồn lực cho đầu tư kinh doanh phát triển. Về phía cầu, cần đảm bảo tín
hiệu thị trường không bị méo mó bởi các hành vi cạnh tranh không lành mạnh,
ngăn chặn sự chi phối của sân sau, lợi ích nhóm.
“Để đạt được 2 yếu tố
cung và cầu hiệu quả trên thị trường, đòi hỏi phải cải cách toàn diện hơn nữa,
cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ, qua đó cải thiện thứ hạng và năng lực
cạnh tranh của cả nền kinh tế cũng như các ngành và DN. Các hỗ trợ về đầu tư và
chính sách thúc đẩy của Nhà nước nên tập trung trọng tâm vào kết nối cả cung
lẫn cầu trên tiêu chí hiệu quả DN đầu tiên. Trong cải cách quản lý nhà nước đối
với nền kinh tế nói chung, thị trường nói riêng, mục tiêu cao nhất là hướng tới
giảm chi phí sản xuất kinh doanh, nhất là chi phí ngầm cùng với giảm các rủi ro
trong đầu tư và kinh doanh”, ông Việt nhấn mạnh.
Từ góc độ DN, ông Lê
Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, dệt may là một trong
những ngành công nghiệp hiếm hoi của Việt Nam có quy mô xuất khẩu lớn thứ hai
trên thế giới năm 2024 và đã liên tục duy trì trong TOP 3 thế giới 6 năm trở
lại đây. Tuy nhiên, ngành dệt may đang gặp một số thách thức về quy hoạch
chuyên ngành, nguồn vốn cho tăng trưởng xanh và chi phí logistics.
“Trong thời gian tới,
nếu xác định dệt may hay những ngành công nghiệp nhẹ vẫn đóng góp cho tăng
trưởng thì phải có quy hoạch chuyên ngành và có vùng sản xuất đủ lớn. “Đại
bàng” không chỉ có ở những ngành công nghệ như bán dẫn, điện tử mà dệt may cũng
có “đại bàng”. Nếu muốn đón “đại bàng” của ngành công nghiệp thời trang thì
phải thay đổi tư duy và có sự chuẩn bị”, ông Trường nói.
Về vốn, hiện các thị
trường nhập khẩu hàng dệt may đặt tiêu chuẩn cao về chuyển đổi xanh đối với sản
phẩm và DN dệt may. Để đáp ứng các tiêu chuẩn này thì phải có nguồn vốn lớn và
đây là điểm hạn chế của DN dệt may. Mặt khác, DN dệt may đang phải đối mặt với
chi phí logistics cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. “Các trở ngại này
cần được hỗ trợ để tháo gỡ, từ đó thúc đẩy DN dệt may đóng góp nhiều hơn cho
tăng trưởng kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo”, ông Trường nhấn mạnh.
Theo ông Đậu Anh Tuấn,
Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để đạt
được mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2025, giải pháp thể chế đặc biệt quan
trọng. Trong đó, điều DN cần nhất là tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục hành
chính trong lĩnh vực đầu tư và xuất nhập khẩu. Về đầu tư, cần giải quyết theo
hướng làm sao đưa vốn vào nền kinh tế một cách nhanh nhất, đặc biệt là giải
quyết các thủ tục đất đai, đầu tư, quy hoạch… Về xuất nhập khẩu, hiện mỗi ngày
có gần 90 nghìn DN Việt Nam làm thủ tục xuất nhập khẩu. Dù đã có một số cải
thiện và rút ngắn so với trước song vẫn cần tiếp tục cải thiện thủ tục này để
giảm thời gian thông quan, lưu kho bãi, giúp hàng hóa lưu thông nhanh hơn.
Từ góc độ khác, GS.TS.
Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ
tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, một trong những động lực quan
trọng của tăng trưởng kinh tế năm 2025 được xác định là thúc đẩy giải ngân đầu
tư công. Để động lực này đóng góp quan trọng cho đà tăng trưởng kinh tế, việc
đổi mới phương thức đầu tư công là cần thiết nhằm thu hút đầu tư tư nhân và tạo
sức lan tỏa cho nền kinh tế.
“Hiện nay, đầu tư công
chủ yếu do Chính phủ và các cơ quan chức năng lập phương án và triển khai thực
hiện. Trong quá trình này, Chính phủ nên cân nhắc giao nhiều phần việc cho khu
vực tư nhân, đặc biệt trong các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc Nam, chẳng
hạn đặt hàng các tập đoàn tư nhân thực hiện từng phần từ sản xuất đường ray,
toa xe, đến xây dựng hạ tầng... Nhà nước đóng vai trò định hướng và cung cấp
nguồn vốn, qua đó hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh, đóng vai trò trụ cột cho
nền kinh tế. Cách làm này không chỉ thúc đẩy sự phát triển của các DN lớn mà
còn kéo theo sự tham gia của các DN nhỏ, tạo chuỗi giá trị và gia tăng tính bền
vững. Đây là hướng đi phù hợp để tối ưu hóa nguồn lực, tăng hiệu quả đầu tư
công, đồng thời thúc đẩy sự trưởng thành của khu vực kinh tế tư nhân”, ông
Cường chia sẻ.
(Nguồn: baodauthau.vn)