Với kết quả khả quan trong quý III/2024, tăng trưởng kinh tế được kỳ vọng tiếp tục tiến triển tích cực nhờ đà hồi phục từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ và bền vững, cần chú trọng tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là tiếp tục hoàn thiện thể chế và tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư, kinh doanh.
Điểm nhấn
trong bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam 9 tháng đầu năm là sản xuất công nghiệp
và dịch vụ liên quan tới xuất khẩu tiếp tục phục hồi. Ảnh: Lê Tiên.
Tại Báo cáo kinh tế Việt
Nam quý III/2024 với tiêu đề “Triển vọng và thách thức” công bố ngày 15/10,
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, điểm nhấn trong bức
tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam 9 tháng đầu năm là sản xuất công nghiệp và dịch vụ
liên quan tới xuất khẩu tiếp tục phục hồi. Trong tháng 9, chỉ số sản xuất công
nghiệp (IIP) của Việt Nam tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng
thứ 7 liên tiếp sản lượng công nghiệp tăng trưởng, bất chấp thiệt hại do bão
lớn gây ra ở một số vùng của đất nước.
Sự hồi phục của nền kinh
tế nói chung và lĩnh vực sản xuất nói riêng cũng đồng điệu với xu hướng tích
cực trong bức tranh doanh nghiệp. Theo VEPR, tình hình doanh nghiệp gia nhập
thị trường khởi sắc cho thấy tín hiệu rõ ràng hơn về sự phục hồi của nền kinh
tế. Cụ thể, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp
đăng ký mới và quay trở lại thị trường, cao hơn con số cả năm của giai đoạn
2018 - 2021.
Cùng quan điểm, TS. Cấn
Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho
rằng, dù chịu ảnh hưởng từ cơn bão số 3, nhưng tình hình doanh nghiệp vẫn có
nhiều cải thiện, số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong 9 tháng đầu năm đã
tăng 9,74% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn nhiều số lượng rút lui khỏi thị
trường. Khảo sát của Tổng cục thống kê và các hiệp hội cho thấy niềm tin của
doanh nghiệp vào triển vọng sản xuất kinh doanh, khối lượng sản xuất và đơn
hàng trong quý IV/2024 đều cao hơn so với mức khảo sát cho quý IV/2024.
Tuy nhiên, ông Lực cho
rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những rủi ro, thách thức
trong quý IV/2024 và năm 2025, đặc biệt là thiệt hại bởi cơn bão số 3 cần thời
gian để khắc phục. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ là 81,8 nghìn tỷ đồng
(tương đương 0,8% GDP năm 2023 theo giá hiện hành), gấp 6,7 lần thiệt hại thiên
tai của năm 2023 và cao hơn tổng thiệt hại do thiên tai của cả ba năm 2021 -
2023; nông nghiệp chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất (chiếm 38% tổng thiệt hại do
bão số 3). Có 94 nghìn khách hàng và khoảng 165 nghìn tỷ đồng dư nợ tín dụng bị
ảnh hưởng.
Do đó, ông Lực cho rằng,
để doanh nghiệp hồi phục mạnh mẽ và bền vững, bên cạnh việc tiếp tục triển khai
hiệu quả các gói hỗ trợ tài khóa như giãn, hoãn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất,
tiền sử dụng đất, cũng như các chính sách về tín dụng - tiền tệ, cần quyết liệt
đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận
lợi hơn cho đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ kịp thời vướng mắc trong quá trình triển
khai các luật đã có hiệu lực.
Từ góc độ khác, TS.
Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, số doanh nghiệp rút lui khỏi
thị trường cũng rất lớn, lên đến 163,76 nghìn trong 9 tháng đầu năm, gần bằng
con số của cả năm 2023 và vượt qua con số của tất cả các năm từ 2018 - 2022. Số
liệu này phản ánh thách thức chung mà các doanh nghiệp phải đối mặt trong môi
trường kinh doanh sau đại dịch Covid-19 và tình hình kinh tế - chính trị thế
giới bất ổn, đặc biệt là thách thức với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo ông Việt, để doanh
nghiệp tiếp tục vượt qua các thách thức và vươn lên mạnh mẽ, đóng góp tích cực
cho đà tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, bên cạnh các chính sách hỗ trợ có
thời hạn về thuế, phí và hỗ trợ tiếp cận vốn đang triển khai, cần tiếp tục nhận
diện các vướng mắc, bất cập trong môi trường kinh doanh để khẩn trương sửa đổi
hoặc đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời giám
sát quá trình thực thi luật pháp.
Cùng với đó, cần tiếp
tục các chính sách hỗ trợ hiệu quả từ cả phía cung và cầu theo chiều sâu. Cụ
thể, đẩy mạnh năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt thông qua các chính sách
tăng cường tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu, có chính sách ưu đãi hiệu quả
hơn với việc sản xuất sản phẩm công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản
phẩm công nghệ cao bằng các chương trình trợ giá, thực hiện các chương trình
nâng cao nhận thức của người tiêu dùng với sản phẩm có chất lượng cao và các
chương trình kết nối doanh nghiệp với kênh phân phối.
(Nguồn: baodauthau.vn)